Các tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng mô tả chi tiết thành Tam Vạn như sau: "Thành Tam Vạn do người Lự đắp từ thế kỷ XIII, hiện nay còn di tích ở Điện Biên. Sử Việt Nam thường chép lầm với thành Chiềng Lè do Hoàng Công Chất xây dựng. Thành Tam Vạn chiếm cả một khu vực lớn ở phía Bắc Mường Thanh, khoảng 1/3 cánh đồng Điện Biên. Phía trước thành có 2 luỹ tre chạy dài hơn 3km đắp cao vượt đầu người, cạnh có đào hào sâu nối liền hai con sông Nậm Rốn và Nậm Núa. Thành rộng hàng chục cây số vuông, có thể chứa hàng vạn gia đình, bao gồm mấy xã hiện nay, mà trung tâm là xã Xam Mứn. Miền chính giữa của thành nằm sát vào 3 ngọn núi Nang-Nòn, Tạo-Nòn và Pú-Huổi-Chọn (núi Nàng Ngủ, núi Tạo Ngủ, núi Suối Chọn) bên cạnh hồ U-Va. Trên một quả đồi cao cạnh hồ có đồn canh chính, đứng đó có thể nhìn bao quát toàn cánh đồng. Bên hồ có bãi rộng, là nơi tụ họp nhân dân trong thành trong các ngày tế lễ, đình đám. Trên sườn đồi quanh bãi cỏ phạt thành bậc làm nơi để chúa và các chức dịch tuỳ theo thứ bậc ngồi, nay còn thấy rất nhiều mảnh ché rượu Lào. Các hồ khoảng 1 km có một quả đồi rất đẹp, trên đỉnh xưa dựng một đền thờ Phật, gọi là Vạt-bua-hốm. Rải rác suốt trong thành, ven quanh sườn núi và trên hai bờ sông Nậm Rốm, Nậm Núa là nơi nhân dân ở. Tương truyền trong thành có dựng ba vạn cối giã gạo nước, chứa được ba vạn dân đinh nên gọi là thành Tam Vạn"