Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thân phụ của Người là ông Nguyễn Sinh Sắc, còn gọi là Huy (1862-1929), con của một gia đình nông dân nghèo, chất phác. Cha, mẹ mất sớm, tuổi thơ chịu cảnh mồ côi, phải vất vả lao động kiếm sống và có ý chí học hành. Là một cậu bé hiền lành, thông minh, ham học. Nguyễn Sinh Huy được nhà nho Hoàng Xuân Đường cảm cảnh nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Chẳng bao lâu chàng thanh niên Nguyễn Sinh Sắc đã tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An (1894) và được người cha nuôi cũng là thầy giáo gả con gái của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Được gia đình và người vợ trẻ động viên, cùng với ý chí của mình, ông cử Sắc đã tiếp tục tham dự các kỳ thi Hội của Triều đình nhưng không đỗ, đến kỳ thi Hội lần thứ 3 ông mới đỗ Phó Bảng (1901). Với phẩm chất liêm khiết của một nhà nho, trong cuộc sống cụ Sắc luôn dạy dỗ con cái luôn có ý thức lao động, học tập để hiểu “đạo lý làm người”. Sau khi đỗ Phó Bảng (1901), bị Triều đình phong kiến thúc ép nhiều lần, buộc cụ phải ra làm quan, nhưng bất hợp tác với bọn tay sai đế quốc. Vốn có lòng yêu nước, khẳng khái, cụ thường chống đối bọn quan trường và thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, sau một thời gian làm quan rất ngắn, cụ bị chúng cách chức. Cụ vào Nam Bộ làm thầy thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời (1929), được nhân dân mến mộ và thương tiếc. Thi hài và lăng mộ yên nghỉ của cụ hiện nằm tại tỉnh Đồng Tháp.