Khoáng sản
Khoáng sản của châu Á tuy chưa được khai thác đầy đủ song rất phong phú và có số lượng lớn. Các loại có trữ lượng đáng kể là dầu mỏ, than, sắt, các kim loại màu như đồng, chì, thiếc và bôxit. Về nguồn gốc hình thành và sự phân bố của chúng rất phức tạp nhưng nhìn chung trong mỗi đới kiến tạo tập trung một số loại khoáng sản chính. Riêng các mỏ dầu và khí đốt thường phân bố trong các miền bị lún xuống, được bồi trầm tích dày thuộc các miền võng trên nền, trước núi hoặc các vùng thềm lục địa. Sự phân bố các khoáng sản chính có thể phân biệt như sau
Các khu vực nền cổ là nơi tập trung nhiều sắt, mangan, bôxit, vàng và một số kim loại quý hiếm. Ví dụ: các mỏ sắt lớn ở Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Trung Siberi và vùng nền Nga. Ở Ấn Độ ngoài sắt còn có mangan với hàm lượng cao và trữ lượng đứng đầu thế giới, vàng, kim cương; Ở Trung Quốc và Trung Siberi có nhiều vônfram, kim cương, vàng, bôxit...
Đới uốn nếp Cổ sinh có nhiều kim loại màu như đồng, chì, thiếc, kẽm. Các loại này có nhiều ở Kazakhstan và vùng núi Nam Siberi.
Đới uốn nếp Trung sinh có thiếc là kim khoáng quan trọng nhất. Thiếc thường kèm theo vônfram hoặc chì, kẽm, vàng. Các vùng có nhiều thiếc nhất là vùng núi Đông Siberi và vùng Đông Nam Á. Thiếc ở Đông Nam Á tập trung trong một dải kéo dài từ cao nguyên Vân Quý qua bán đảo Trung Ấn đến các đảo Bangka và Billiton thuộc Indonesia. Thiếc ở đây chiếm tới 70% trữ lượng thế giới. Giờ đây, sản lượng khai thác thiếc của Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang đứng hàng hai, ba, tư thế giới sau Brasil.
Đới uốn nếp Tân sinh chưa được nghiên cứu đầy đủ song người ta thấy có nhiều khoáng sản khác nhau như đồng, chì, kẽm, bôxit và sau đó là sắt, mangan và thủy ngân. Ngoài ra, ở Tiểu Á và Iran còn có nhiều crôm và môlípđen.